Đây là hướng dẫn toàn diện và hoàn chỉnh nhất về nghiên cứu từ khóa cho SEO năm 2024.

Trong hướng dẫn toàn diện này, bạn sẽ nhận được tất cả những câu trả lời chuẩn nhất về nghiên cứu từ khóa cho SEO như:

  • Cách tìm và nghiên cứu từ khóa
  • Cách phân tích và chọn từ khóa thật sự phù hợp, có khả năng xếp hạng cao và mang lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
  • Cách sử dụng và tích hợp từ khóa đúng chuẩn vào nội dung.
  • Các mẹo nghiên cứu từ khóa nâng cao.
  • Và rất nhiều những kiến thức hữu ích mà tôi tin chắc bạn sẽ thích.

Vì vậy, nếu bạn muốn gia tăng lưu lượng truy cập tự nhiên đến website, gia tăng lượng khách hàng tiềm năng và gia tăng lợi nhuận kinh doanh cho doanh nghiệp.

Đây là hướng dẫn cần thiết và duy nhất mà bạn cần biết để đạt được mục tiêu của mình.

Chúng ta bắt đầu nào.

MỤC LỤC:

Từ khóa là gì?

Từ khóa là bất kỳ từ hoặc cụm từ nào mà người dùng nhập vào ô tìm kiếm trên các công cụ tìm kiếm, để tìm thông tin hoặc để thỏa mãn một ý định cụ thể nào đó trên internet.

Từ khóa giống như một cánh cổng để dẫn mọi người đến các kết quả tìm kiếm và cuối cùng là đến các trang web mà họ sẽ nhận được những gì thật sự phù hợp với ý định của họ.

Chính vì vậy, việc tìm đúng những từ khóa mà mọi người đang tìm kiếm trên internet là một việc cực kỳ quan trọng trong SEO (Tối ưu hóa công cụ tìm kiếm).

Xem thêm: SEO là gì?

Và một khi bạn thực hiện đúng, xác định được chính xác những gì mà khách hàng của bạn đang tìm kiếm có liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của bạn.

Bạn có thể tối ưu hóa danh mục sản phẩm, trang sản phẩm, video, bài viết…của mình cho các từ khóa này, và từ đó website của bạn sẽ có khả năng xếp hạng cao hơn, cuối cùng là gia tăng lượng khách hàng tiềm năng đến website và mua hàng từ bạn.

Nghiên cứu từ khóa là gì?

Nghiên cứu từ khóa là quá trình thực hành về SEO để tìm kiếm, phân tích và nghiên cứu các từ, cụm từ mà mọi người sử dụng để tìm kiếm thông tin trên internet.

Nói một cách đơn giản, đây là việc mà bạn thực hiện để hiểu ngôn ngữ thực tế mà khách hàng của bạn sử dụng để tìm kiếm thông tin về sản phẩm và dịch vụ của bạn.

Để từ đó bạn có thể sử dụng những hiểu biết này nhằm mục đích cung cấp và tối ưu hóa những nội dung có liên quan, thỏa mãn mục đích tìm kiếm của họ.

Kết quả cuối cùng trong việc nghiên cứu từ khóa là bạn sẽ có được một danh các từ khóa mà bạn thật sự có thể xếp hạng cao và rất quan trọng với doanh nghiệp của bạn.

Từ đó, bạn có thể sử dụng danh sách này để làm nguyên liệu và làm bước khởi đầu cho tất cả các chiến dịch Digital Marketing (tiếp thị số) của bạn.

Tại sao nghiên cứu từ khóa quan trọng?

Tôi xin khẳng định một điều:

“Bạn không thể thành công với SEO nói riêng và kinh doanh nói chung, nếu bạn không xác định một cách rõ ràng và chính xác tất cả các từ khóa có liên quan, phù hợp với sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp”.

Thật sự mà nói, nghiên cứu từ khóa là bước đầu tiên rất quan trọng, nó sẽ tác động đến mọi nhiệm vụ SEO khác mà bạn sẽ thực hiện, bao gồm tìm chủ đề nội dung, SEO onpage, SEO offpage, v.v…

Nói một cách đơn giản:

Từ khóa giống như một chiếc la bàn hướng dẫn cho chiến dịch SEO của bạn. Nó cho bạn biết nơi bạn cần đến và cho bạn biết liệu bạn có đang đi đúng hướng hay không.

Ngoài ra, nghiên cứu từ khóa sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn.

Bởi vì, nghiên cứu từ khóa sẽ cung cấp cho bạn một bức tranh rõ ràng và sâu sắc nhất về những gì mà khách hàng của bạn đang tìm kiếm, các từ, cụm từ chính xác mà họ sử dụng.

Nghiên cứu từ khóa còn giúp bạn ước lượng được quy mô của đối tượng khách hàng tiềm năng, đây là một số liệu hữu ích giúp bạn thiết lập mục tiêu tiếp thị và tạo kế hoạch phát triển doanh nghiệp.

Tôi xin tiết lộ với bạn một bí mật rất quan trọng: “Nghiên cứu từ khóa chính là nghiên cứu thị trường trong thế kỷ 21”.

Lịch sử ngắn gọn về nghiên cứu từ khóa?

Cách mà mọi người thực hiện nghiên cứu từ khóa đã thay đổi rất nhiều theo thời gian, và theo quá trình thay đổi thuật toán của Google.

Vào những năm 2000, toàn quá trình nghiên cứu từ khóa thường được thực hiện thông qua công cụ Google Keyword Planner, bằng việc tìm từ khóa có khối lượng tìm kiếm cao và nhồi nhét chúng vào tất cả những nơi có thể trên trang web.

Khi có quá nhiều người lạm dụng điều này. Google đã ngay lập tức phản ứng với một số cập nhật thuật toán xếp hạng của họ.

Mục tiêu của những cập nhật này là để hiểu người dùng muốn gì và phục vụ họ với kết quả tốt nhất.

Các cập nhật thuật toán quan trọng ảnh hưởng đến cách chúng ta thực hiện nghiên cứu từ khóa như:

  • Panda: Thuật toán này sẽ phạt những website có nội dung mỏng, chất lượng thấp và nội dung trùng lặp.
  • Penguin: Thuật toán này sẽ xử phạt việc sử dụng từ khóa không tự nhiên.
  • Hummingbird: Thuật toán này để cải thiện các tìm kiếm có liên quan đến ngữ nghĩa và tập trung vào ý định tìm kiếm.

Ngày nay, nhờ những cập nhật này:

Google đã trở nên tốt hơn và tốt hơn rất nhiều trong việc hiểu những gì mà mọi người tìm kiếm.

Bạn cần phải biết:

Mục tiêu chính và quan trọng nhất của Google là mong muốn cung cấp nội dung chính xác, đáp ứng nhu cầu của người dùng một cách nhanh nhất và tốt nhất.

Để thực hiện được mục tiêu của mình, ngoài những thuật toán xếp hạng truyền thống, Google đã bổ sung thêm một thuật toán xếp hạng dựa trên trí tuệ nhân tạo đó là RankBrain.

Thuật toán này đã tồn tại trong nhiều năm, nhưng phải mất một thời gian khá dài cho đến khi nó hoàn thiện. Và vào năm 2015, Google đã tuyên bố rằng RankBrain là một trong 3 tín hiệu xếp hạng quan trọng nhất của họ.

(3 tín hiệu xếp hạng quan trọng nhất của Google bao gồm: nội dung chất lượng, nhiều backlink chất lượng và tối ưu cho thuật toán RankBrain.)

Nhờ RankBrain, Google sẽ hiểu được 2 điều:

  • Cách người dùng tương tác với kết quả tìm kiếm không phải trả tiền
  • Ý định tìm kiếm đằng sau các truy vấn tìm kiếm là gì?

Vì vậy, bạn nên hiểu rằng nghiên cứu từ khóa không còn là về việc tìm kiếm một từ khóa lý tưởng nào đó, mà là hiểu được khách hàng của bạn và bao quát nhất những chủ để có liên quan đến họ.

Nói một cách đơn giản, nếu bạn có thể hiểu được chủ đề một cách bao quát nhất. Bạn có thể xếp hạng cho các từ khóa mà thậm chí bạn không sử dụng trong nội dung trang web của mình.

Các loại từ khóa SEO mà bạn cần biết?

Khi bạn bắt tay vào việc nghiên cứu từ khóa cho SEO, bạn sẽ gặp một số thuật ngữ khác nhau mà tôi sẽ sử dụng trong hướng dẫn này như: Từ khóa chính, từ khóa đuôi dài, từ khóa LSI, v.v…

Để giúp bạn bớt bỡ ngỡ và dễ hiểu hơn, tôi sẽ giải thích một cách cơ bản về các loại từ khóa này trước khi bắt đầu hướng dẫn bạn từng bước về cách nghiên cứu từ khóa.

Từ khóa chính

Từ khóa chính (hay còn gọi là từ khóa trọng tâm) là một hoặc nhiều cụm từ có khối lượng tìm kiếm cao, cũng như có mức độ cạnh tranh rất cao trong kết quả tìm kiếm.

Để có thể xếp hạng cao cho những cụm từ này bạn phải vượt qua rất nhiều những đối thủ sừng sỏ và hàng ngàn thậm chí hàng triệu trang web cạnh tranh.

Bên cạnh đó, những từ khóa này thường rất khó xác định được ý định tìm kiếm cụ thể, nó thường là những từ khóa rất chung chung.

Và đây là một vài ví dụ về từ khóa chính: Digital Marketing, SEO, Giường ngủ, Máy bơm nước, giày, nước hoa,…

Cụ thể như từ khóa Digital Marketing, tôi sử dụng công cụ SEMrush để phân tích từ khóa này, chỉ riêng ở Việt Nam.

Phân tích từ khóa Digital Marketing

Bạn có thể thấy, khối lượng tìm kiếm của từ khóa này khá cao, hơn 12k lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng, và có mức độ cạnh tranh, độ khó cũng rất cao lên đến hơn 80%

(Độ khó từ khóa được xác định từ 0 – 100%, tỷ lệ phần trăm càng cao thì độ khó càng tăng)

Bên cạnh đó, nó cũng có rất nhiều biến thể khác nhau và rất khó để xác định ý định tìm kiếm là gì.

Có thể ý định ở đây là từ khóa thông tin, người dùng muốn biết thực sự thì Digital Marketing là gì?

Hoặc nó cũng có thể là từ khóa thương mại, ý định người dùng là so sánh và tìm một đơn vị cung cấp dịch vụ Digital Marketing uy tín để lựa chọn.

Hoặc là người dùng muốn so sánh và chọn một khóa học Digital Marketing online chất lượng để theo học, v.v…

Đối với loại từ khóa chính này, cách tốt nhất là bạn động não suy nghĩ hoặc sử dụng tìm kiếm Google để phân tích tất cả các loại ý định tìm kiếm cho nó.

Ý dịnh tìm kiếm của từ khóa Digital Marketing

Rõ ràng, các kết quả đầu tiên trong Google đa phần ý định tìm kiếm là thông tin.

Từ khóa đuôi dài

Từ khóa đuôi dài thông thường là những cụm từ khóa bao gồm từ 4 từ trở lên, nó thường có khối lượng tìm kiếm ít hơn so với những từ khóa chính.

Bên cạnh đó, thì mức độ cạnh tranh cũng khá thấp, bạn cũng có thể đơn giản xác định ý định tìm kiếm cho những từ khóa này.

Đây là một vài từ khóa dạng đuôi dài: “Quy trình nghiên cứu từ khóa”, “Học digital marketing ở đâu?”, “Digital Marketing là làm gì?”, “Khóa học Digital Marketing online”,…

Tuy có khối lượng tìm thấp, nhưng đây là những từ khóa mà tôi khuyên bạn nên dành cho nó sự quan tâm đặc biệt.

Tại sao lại như vậy?

Bởi vì đây là những từ khóa mà bạn có thể dễ dàng xếp hạng cao, đặc biệt nếu website của bạn mới và có ít thẩm quyền.

Tiếp theo, đây là những từ khóa với ý định tìm kiếm rất cụ thể, cũng như có khả năng giúp chuyển đổi mua hàng cao hơn.

Bạn cũng có thể dễ dàng tạo nội dung thỏa mãn ý định tìm kiếm của người dùng và bán hàng.

Ngoài ra, Ahref họ đã tiến hành phân tích hơn 1.9 triệu từ khóa trong cơ sở dữ liệu của họ ở Mỹ và nhận thấy rằng 92,42% tất cả các từ khóa nhận được từ 10 hoặc ít hơn số lượng tìm kiếm mỗi tháng.

Nói cách khác, 92,42% tất cả các từ khóa mà mọi người nhập vào công cụ tìm kiếm là những từ khóa đuôi dài

92,42% tất cả các từ khóa trên internet là từ khóa đuôi dài
(Nguồn: Ahref)

Từ khóa LSI

Từ khóa LSI là những từ khóa có liên quan về mặt ngữ nghĩa cũng như về mặt khái niệm với nhau.

Ví dụ, đối với từ khóa “nghiên cứu từ khóa”, một số từ khóa có liên quan về mặt ngữ nghĩa như “khối lượng tìm kiếm”, “phân tích từ khóa”, “công cụ nghiên cứu từ khóa”, v.v…

4 loại ý định tìm kiếm của người dùng?

Nếu bạn muốn thành công với SEO, việc hiểu và tạo nội dung thỏa mãn ý định tìm kiếm của người dùng là điều cực kỳ quan trọng.

Tại sao?

Như bạn đã biết, mục đích của Google là cung cấp một cách nhanh chóng và chính xác những kết quả phù hợp với cụm từ tìm kiếm của người dùng.

Điều này cũng có nghĩa là nếu bạn muốn xếp hạng cao trong Google, bạn cần phải tạo những nội dung phù hợp với từng từ khóa, cũng như từng truy vấn mà người dùng nhập vào công cụ tìm kiếm.

Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa: Điều đầu tiên và quan trọng nhất là bạn phải tạo ra những nội dung phù hợp nhất với ý định tìm kiếm của người dùng.

Và sau đây tôi xin giới thiệu đến bạn 4 loại ý định tìm kiếm, mà bạn bắt buộc phải biết đó là: thông tin, điều hướng, thương mại và giao dịch.

4 loại ý định tìm kiếm của người dùng
(4 loại ý định tìm kiếm của người dùng)

Từ khóa thông tin

Giống như tên gọi của nó, từ khóa thông tin là những từ khóa mà người dùng sử dụng để tìm hiểu một thông tin hay một vấn đề cụ thể nào đó.

Đây có thể là một câu hỏi đơn giản như: seo là gì? từ khóa là gì? ai là người sáng lập Google? v.v…

Hoặc thậm chí phức tạp hơn như: Google hoạt động như thế nào? Cách để tối ưu hóa công cụ tìm kiếm? cách thức hoạt động của blockchain? tình yêu là gì? v.v...

Tuy nhiên, không phải tất cả các từ khóa dạng thông tin đều được đặt ra dưới dạng câu hỏi.

Ví dụ như “Donald Trump”, “covid 19”, “kết quả bóng đá”, “HTML 5”, v.v…

Từ khóa dạng thông tin là nhóm từ khóa được sử dụng nhiều nhất trong các truy vấn tìm kiếm hiện nay.

Từ khóa điều hướng

Đây là những từ khóa mà người dùng sử dụng để tìm kiếm một trang web cụ thể nào đó, mà họ đã biết và xác định chính xác nơi mà họ mong muốn đến.

Lưu ý cho bạn là khi thực hiện nghiên cứu từ khóa và gặp những từ khóa dạng này, tốt nhất là bạn nên loại bỏ nó ngay trong danh sách từ khóa của mình.

Bởi vì nếu bạn sử dụng và tối ưu nội dung cho những từ khóa này chỉ là phí công vô ích.

Đây là một vài ví dụ về từ khóa dạng điều hướng: “Facebook”, “YouTube”, “24h”, “vnexpress”, v.v…

Từ khóa thương mại

Những người thực hiện truy vấn tìm kiếm cho những từ khóa dạng này, đa phần là họ đang có sự quan tâm đến một thị trường mục tiêu cụ thể nào đó.

Nhưng họ vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng về một giải pháp phù hợp với nhu cầu của họ.

Rất có thể là họ đang tìm kiếm các bài đánh giá hoặc so sánh về sản phẩm và dịch vụ. Họ đang trong giai đoạn cân nhắc các lựa chọn của mình.

Đây là nhóm từ khóa mà bạn nên nhắm mục tiêu trong danh sách từ khóa của mình.

Tại sao?

Bởi vì, có thể khách hàng của bạn chưa có ý định mua trong hiện tại, nhưng có thể họ sẽ quyết định mua trong tương lai gần.

Những người này thật ra đang có ý định mua hàng nhưng họ cần có thêm thời gian và sự thuyết phục nào đó từ bạn.

(Từ khóa dạng này còn được gọi là điều tra thương mại)

Đây là một vài ví dụ về từ khóa dạng này:

  • “Máy bơm nước gia đình loại nào tốt?”
  • “Máy giặt hãng nào tốt nhất?”
  • “Khách sạn giá rẻ Cần Thơ”
  • “ahref vs semrush”

Từ khóa giao dịch

Nhắc đến từ giao dịch rõ ràng là bạn đã biết mục đích chính đằng sau những từ khóa này là gì rồi đúng không?

Đây có lẻ là nhóm từ khóa quan trọng nhất của bất kỳ một doanh nghiệp nào. Bởi vì, nó sẽ giúp bạn bán hàng và mang lại lợi nhuận.

Sau đây là một vài ví dụ về từ khóa dạng này:

  • “Mua Iphone”
  • “Mã giảm giá shopee”
  • “Iphone 11 Pro Max 256GB giá rẻ”
  • “Máy bơm nước giá rẻ”
  • “Mua máy bơm nước”

Các từ khóa với mục đích giao dịch thường sẽ chứa các từ như: mua, thỏa thuận, giảm giá, tên sản phẩm, giá rẻ, v.v…

Rõ ràng, khi điểm qua 4 loại ý định tìm kiếm trên thì các truy vấn dạng giao dịch sẽ là suy nghĩ đầu tiên của bạn khi nói đến việc nhắm mục tiêu từ khóa.

Nhưng bạn đừng nên quá phụ thuộc và bị mờ mắt bởi những dấu hiệu này. Điều tuyệt vời là tương ứng với mỗi ý định tìm kiếm là mỗi người đại diện cho một cơ hội nào đó với doanh nghiệp của bạn, bất kể là doanh nghiệp bạn đang cung cấp những gì.

Tốt nhất, bạn hãy thực hiện nghiên cứu từ khóa và xác định tất cả những từ khóa có liên quan đến những gì mà doanh nghiệp của bạn đang cung cấp.

Sau đó, tạo nội dung chất lượng và đảm bảo rằng website của bạn sẽ xuất hiện càng nhiều càng tốt trong con mắt của đối tượng khách hàng mục tiêu.

6 bước quan trọng trong nghiên cứu từ khóa?

Đến đây, tôi đã giúp bạn hiểu được nghiên cứu từ khóa là gì? tại sao bạn cần phải thực nghiên cứu từ khóa? hiểu được các loại từ khóa khác nhau, cũng như biết được 4 ý định tìm kiếm trên internet hiện nay.

Bây giờ, chúng ta sẽ đến phần quan trọng nhất của bài viết này.

Đó là bắt tay vào thực hành từng bước về nghiên cứu từ khóa trong SEO.

Tuy nhiên, bạn nên biết quá trình nghiên cứu từ khóa là một việc rất khó khăn, nhàm chán, có những việc phải lặp đi lặp lại.

(Chính vì điều này, có rất ít những bài viết hướng dẫn nghiên cứu từ khóa nào thật sự hoàn chỉnh trên internet).

Trước khi bắt đầu thực hiện nghiên cứu từ khóa, bạn nên hiểu ý tưởng chung trong các bước của tôi ở đây là:

  • Tìm tất cả các từ khóa chính phù hợp với doanh nghiệp
  • Phân tích và chỉ giữ lại khoảng 10 từ khóa chính phù hợp nhất, mức độ cạnh tranh thấp nhất, và có khả năng được xếp hạng cao, để bắt đầu thực hiện chiến dịch SEO.
  • Khi đã có được khoảng 10 từ khóa chính, tôi sẽ tiếp tục thực hiện nghiên cứu và tìm các từ khóa đuôi dài.
  • Với mỗi từ khóa chính, tôi sẽ tìm từ 10 đến 20 từ khóa đuôi dài để tạo nội dung bổ trợ và trỏ liên kết nội bộ ngược về bài viết cho từ khóa chính tương ứng.

Để dễ hiểu và thực hiện ý tưởng của mình, tôi sẽ chia quá trình nghiên cứu từ khóa thành 6 bước như sau:

Bước 1: Nhận biết thị trường mục tiêu của bạn

Trước khi bạn thực hiện bất cứ điều gì, bạn nên có một sự hiểu biết cơ bản về những gì mà bạn phải làm. Đúng không?

Đối với nghiên cứu từ khóa cũng vậy, bạn cần phải có một sự hiểu biết về thị trường mà bạn sẽ thực hiện, bao gồm những ý tưởng về chủ đề, đối thủ cạnh tranh, v.v…

Để hiểu về thị trường mục tiêu, bạn chỉ cần thực hiện những câu hỏi đúng và tự tìm câu trả lời, như vậy là bạn sẽ có thông tin cơ bản về thị trường này.

Cho dù bạn đang bắt đầu nghiên cứu từ khóa cho doanh nghiệp của riêng bạn hay cho khách hàng, bạn không thể thực hiện trọn vẹn nếu không hiểu về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Đây là một vài câu hỏi gợi ý mà bạn nên tìm câu trả lời trước khi thực hiện nghiên cứu từ khóa:

  • Doanh nghiệp đang cung cấp sản phẩm và dịch vụ gì?
  • Giá trị cốt lõi và điểm mạnh của doanh nghiệp là gì?
  • Khách hàng của doanh nghiệp là ai? (Quan trọng)
  • Điều gì từ sản phẩm và dịch vụ của bạn mà họ quan tâm?
  • Cách mà họ thực hiện tìm kiếm?
  • Khi nào họ thực hiện tìm kiếm?
  • Tạo sao họ tìm kiếm?
  • Cách mà bạn sẽ giúp đỡ họ?

Trên đây chỉ là những câu hỏi gợi ý, bạn không cần phải trả lời đầy đủ các câu hỏi trên, miễn sao bạn có đủ thông tin cần thiết để bắt đầu nghiên cứu từ khóa.

Ví dụ:

Tôi đang thực hiện một dự án SEO về thị trường “Máy bơm nước”. Tôi sẽ thực hiện trả lời các câu hỏi như:

Doanh nghiệp đang cung cấp những sản phẩm, dịch vụ gì?, Những sản phẩm chủ lực mà doanh nghiệp muốn nhắm mục tiêu SEO và giúp gia tăng cơ hội bán hàng?

(Đương nhiên là có liên quan đến máy bơm nước)

Câu trả lời tôi thu thập được là, họ cung cấp máy bơm nước với những sản phẩm chính như:

  • Máy bơm nước Wilo
  • Máy bơm nước Pentax
  • Bình tích áp
  • Máy thổi khí
  • Đĩa phân phối khí
  • Và các dòng máy bơm nước khác (cả dân dụng và công nghiệp)…

Khách hàng của họ bao gồm:

  • Những khách lẻ sử dụng cho nhà ở, căn hộ, nhà trọ, v.v…
  • Khách hàng là những đại lý, nhà thầu, công trình, dự án, v.v…

Vâng, chỉ cần thực hiện một vài câu hỏi, tôi đã có sự hiểu biết sơ bộ về hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp.

Lưu ý: bạn không nên quá cứng nhắc trong bước này, bạn có thể kếp hợp những thông tin mà bạn thu thập được từ sản phẩm của doanh nghiệp, kết hợp với tìm kiếm trên Google để thu thập càng nhiều ý tưởng càng tốt về doanh nghiệp.

Bây giờ, chúng ta sẽ tiến tới bước 2 của quá trình nghiên cứu từ khóa.

Bước 2: Viết ra các ý tưởng chủ đề và tạo nhóm chủ đề

Ở bước 1 bạn đã có một ý tưởng sơ bộ về sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, cũng như hiểu về khách hàng của họ, bước tiếp theo là viết ra các ý tưởng chủ đề.

(Bước này bạn nên sử dụng Excel để viết ra càng nhiều ý tưởng càng tốt)

Bạn hãy động não suy nghĩ và viết ra bất cứ điều gì có liên quan đến lĩnh vực và doanh nghiệp của bạn.

Đặt mình vào vị trí của khách hàng và cố gắng nghĩ ra thật nhiều thuật ngữ mà họ sử dụng để tìm kiếm sản phẩm và dịch vụ.

Tiếp tục với ví dụ về thị trường máy bơm nước, các chủ đề mà tôi có được bao gồm:

  • Máy bơm nước
  • Máy bơm nước Wilo
    • Máy bơm tăng áp Wilo
    • Máy bơm chìm Wilo
  • Bình tích áp
    • Bình tích áp là gì?
    • Bình tích áp Varem
    • Bình tích áp Aquasystem
  • Máy thổi khí
    • Máy thổi khí là gì?
    • Máy thổi khí Longtech
    • Máy thổi khí Dargang.
    • v.v..

Một ví dụ khác về thị trường Digital Marketing mà tôi sẽ giới thiệu trong blog này:

  • Digital Marketing
    • Digital Marketing là gì?
    • Digital Marketing bao gồm những gì?
    • Cách thực hiện Digital Marketing hiệu quả?
    • v.v...
  • SEO
    • SEO là gì?
    • Technical SEO
    • SEO onpage
    • SEO offpage
    • Nghiên cứu từ khóa
    • backlink
    • v.v…
  • Content Marketing
  • Email Marketing
  • Social Marketing
  • Affiliate Marketing
  • Mobile Marketing
  • Video Marketing.

Khi đã có được tất cả các chủ đề về thị trường mục tiêu mà bạn nghiên cứu từ khóa, chúng ta sẽ đến với bước 3.

Bước 3: Tìm tất cả các từ khóa chính của bạn bằng cách sử dụng công cụ nghiên cứu từ khóa

Đến đây bạn đã xác định được danh sách những ý tưởng, chủ đề, và xác định được một vài đối thủ chính, đã đến lúc chuyển đổi ý tưởng của bạn thành từ khóa SEO.

Để làm được điều này, bạn cần phải sử dụng những công cụ nghiên cứu từ khóa chuyên nghiệp.

Bạn hoàn toàn có thể thực hiện việc này một cách thủ công, nhưng sẽ cực kỳ tốn thời gian và rất mệt mỏi. Bạn cũng có thể bỏ xót rất nhiều từ khóa.

Tôi thường sử dụng công cụ SEMrush để thực hiện việc này, tuy nhiên bạn có thể sử dụng các công cụ khác để nghiên cứu từ khóa.

Xem thêm: 25 công cụ nghiên cứu từ khóa tốt nhất

Để lập được một danh sách các từ khóa chính, bạn có thể tiếp cận nghiên cứu từ khóa dựa trên:

  • Tìm từ khóa chính dựa trên những chủ đề đã biết (ở bước 2)
  • Nghiên cứu từ khóa dựa trên đối thủ cạnh tranh.

(Bạn nên kết hợp cả 2 cách tiếp cận này, để đảm bảo không bỏ xót bất cứ một từ khóa quan trọng nào trong thị trường của mình).

Tôi rất thích sử dụng công cụ SEMrush, bởi công cụ này thật sự rất mạnh trong việc phân tích những từ khóa đang xếp hạng cao của đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, công cụ này cũng giúp gợi ý rất nhiều những từ khóa có liên quan cho một chủ đề mà bạn nhập vào công cụ (cũng như rất nhiều những dữ liệu hữu ích khác).

Đầu tiên đăng nhập vào SEMrush, đi đến Keyword Magic Tool trong phần KEYWORD RESEARCH.

Nghiên cứu từ khóa với công cụ Keyword Magic Tool của SEMrush

Tiếp theo, nhập lần lượt từng nhóm chủ đề của bạn vào công cụ.

(Lưu ý nên chọn đúng vị trí ở thị trường Việt Nam)

Tại thời điểm này tôi chỉ quan tâm đến những từ khóa có liên quan và có khối lượng tìm kiếm hàng tháng kha khá.

Ngoài ra, tôi cũng chỉ chọn các từ khóa có mức độ cạnh tranh thấp hơn 70, vì hiện tại website tôi thực hiện SEO khá mới và ít lưu lượng truy cập.

Lọc qua danh sách và chọn những từ khóa có liên quan đến doanh nghiệp của bạn và nhấp vào To Keyword Manager.

Nghiên cứu từ khóa

Đảm bảo bạn cũng điều hướng qua tất cả các tùy chọn trên công cụ (Broad Match (đối sánh rộng), Phrase Match (Kết hợp cụm từ), Exact Match (Kết hợp chuẩn xác), Related (Liên quan)).

Khi bạn đã thực hiện lần lượt hết tất cả các chủ đề mà bạn đã liệt kê ở bước 2, bạn sẽ có được một danh sách các từ khóa chính cho thị trường của mình.

Tiếp theo, để không bỏ soát bất kỳ một từ khóa chính tiềm năng nào, tôi khuyên bạn nên kết hợp cách tiếp cận nghiên cứu từ khóa dựa trên đối thủ cạnh tranh.

Ở đây, nếu bạn chưa biết được đối thủ của mình là ai bạn có thể sử dụng Google để tiếp tục phân tích và chọn ra một vài đối thủ chính của bạn.

(Một cách tiếp cận khác, bạn có thể nhập trực tiếp website doanh nghiệp vào công cụ Organic Research để tìm một vài đối thủ chính gần nhất của bạn).

Phân tích đối thủ cạnh tranh trong SEO với Organic Research (SEMrush)

Tôi chọn 4 đối thủ gần nhất và có lưu lượng traffic hàng tháng tương đối cao để tiến hành phân tích.

Tiếp theo, sử dụng công cụ Keyword Gap để tìm những từ khóa chưa biết và bổ sung vào danh sách từ khóa chính.

Sử dụng Keyword Gap (SEMrush) để tìm từ khóa SEO

(Tôi cũng sử dụng bộ lọc nâng cao và chỉ chọn những từ khóa có khối lượng tìm kiếm tương đối cao, mức độ cạnh tranh thấp hơn 70)

Sử dụng Keyword Gap để tìm từ khóa chính

Cứ như thế bạn chọn từ khóa phù hợp và nhấp vào To Keyword Manager.

Đến cuối bước này bạn sẽ có một danh sách đầy đủ các từ khóa chính có khối lượng tìm kiếm tương đối cao và có mức độ cạnh tranh thấp.

Tải về danh sách từ khóa này và tiến đến bước tiếp theo.

(Lưu ý: Trước khi tải về danh sách từ khóa, bạn cũng nên lọc lại danh sách từ khóa và loại bỏ các từ khóa có xu hướng thấp và giảm)

Danh sách từ khóa chính đầy đủ nhất

Bước 4: Kiểm tra ý định tìm kiếm của từng từ khóa và chuyển đổi từ khóa thành tiêu đề

Hiện tại, bạn đã có được một danh sách những từ khóa chính, có liên quan đến sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, cũng như xác định những từ khóa có mức độ cạnh tranh tương đối thấp.

Tiếp theo, chúng ta sẽ tiếp tục phân tích ý định tìm kiếm của từng từ khóa và chỉ giữ lại những từ khóa phù hợp nhất với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

(Ý định tìm kiếm chỉ đơn giản là loại thông tin mà người dùng đang thật sự tìm kiếm, bạn có thể xem lại các loại ý định tìm kiếm ở phần trên của bài viết này)

Để phân tích ý định tìm kiếm, đa phần tôi sử dụng kết quả Google để xác định loại ý định tìm kiếm tương ứng.

Từ đó, tôi sẽ loại bỏ những từ khóa có ý định tìm kiếm không phù hợp với mục tiêu kinh doanh.

Sẽ rất lãng phí thời gian và tài nguyên để theo đuổi những từ khóa không mang lại lưu lượng truy cập phù hợp với hoạt động kinh doanh và phát sinh cơ hội bán hàng.

Ví dụ: Trong danh sách từ khóa tôi chọn có từ khóa “biến tần là gì”, Đây là từ khóa có khối lượng tìm kiếm khá cao.

Sau khi xem lại trang kết quả Google và đọc qua một vài nội dung, tôi thấy từ khóa này không phù hợp, và tôi đã loại bỏ ngay trong danh sách từ khóa của mình.

Phân tích ý định tìm kiếm từ khóa biến tần là gì

Ngoài việc loại bỏ các từ khóa không phù hợp với mục đích kinh doanh, tôi cũng như xác định luôn tiêu đề cho bài viết hoặc trang danh mục sản phẩm mà tôi sẽ tạo ra để phù hợp với từng từ khóa.

(Việc xác định luôn tiêu đề trang trong bước này, sẽ giúp bạn tiết kiệm khá nhiều thời gian sau khi triển khai chiến dịch SEO).

Ví dụ: Phân tích từ khóa “bình tích áp varem”.

Phân tích từ khóa bình tích áp Varem

Bạn có thể dễ dàng nhận thấy, từ khóa này là từ khóa với ý định thương mại.

Khách hàng muốn tham khảo giá cả, so sánh các loại bình tích áp varem khác nhau để chọn được một loại phù hợp nhất với nhu cầu hiện tại của họ.

Rõ ràng, từ khóa này rất phù hợp với mục đích kinh doanh của doanh nghiệp. Nên tôi quyết định sẽ tạo ra một bài viết giới thiệu về giá cả, cũng như một vài thông tin bổ ích để giúp khách hàng dễ dàng hơn trong việc lựa chọn.

Tôi cũng xác định luôn tiêu đề bài đăng để giúp dễ dàng hơn trong việc viết nội dung.

Xác định tiêu đề bài viết sau khi phân tích ý định tìm kiếm

(Rất nhiều doanh nghiệp lớn có nhân sự SEO và content riêng biệt, nên ngoài việc bộ phận SEO gửi từ khóa chính cho bộ phân content viết nội dung, thì việc gửi luôn tiêu đề sẽ giúp content hiểu hơn về ý định tìm kiếm của từ khóa, giúp dễ dạng tạo nội dung phù hợp và xếp hạng cao)

Nếu bạn muốn tìm hiểu sâu hơn về cách để tạo tiêu đề hấp dẫn và giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi, bạn có thể xem lại bài viết: “SEO onpage là gì?”.

Vâng, đến cuối bước này bạn đã có một danh sách khoảng 10 từ khóa chính phù hợp với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cũng như xác định được tiêu đề bài viết bạn sẽ tạo ra để SEO cho các từ khóa này.

Bây giờ, chúng ta sẽ đến bước tiếp theo.

Bước 5: Tìm và chọn từ khóa đuôi dài

Nhìn lại danh sách từ khóa chính của mình, bạn sẽ nhận ra rằng mặc dù có thể bạn đã lọc các từ khóa có mức độ cạnh tranh tương đối thấp.

Nhưng để xếp hạng cao cho những từ khóa này cũng không phải là điều dễ dàng.

Nói cách khác, khi bạn tìm kiếm các từ khóa này trên Google, bạn sẽ thấy hàng ngàn thậm chí hàng triệu trang web đanh cạnh tranh cho một trong 10 vị trí hàng đầu.

Đối thủ cạnh tranh cho từ khóa Digital Marketing là gì

Nếu bạn bắt đầu dự án SEO với một trang web đã tồn tại trong thời gian dài, có thẩm quyền cao, nhiều lưu lượng truy cập thì đây không phải là vấn đề.

Nhưng nếu là một website mới được tạo, giống như blog này của tôi thì rõ ràng là vấn đề lớn.

Vậy giải pháp trong trường hợp này là gì?

Đó là bạn nên tiếp tục nghiên cứu từ khóa và tìm kiếm những từ khóa đuôi dài có sự cạnh tranh thấp.

Tôi xin nhấn mạnh một điều: Từ khóa đuôi dài là giải pháp và là cơ hội duy nhất của bạn trong trường hợp này, để có thể hiện diện cao trong kết quả tìm kiếm, và mang lại lưu lượng truy cập đến website của bạn, trong khoảng thời gian tương đối ngắn.

Từ khóa đuôi dài
(Nguồn: SEMrush)

Vấn đề mà nhiều người lo ngại là: từ khóa đuôi dài sẽ có ít lượt tìm kiếm hơn.

Tuy nhiên, bạn nên hiểu trong giai đoạn đầu của chiến dịch SEO, thà ít lưu lượng truy cập còn hơn là không có gì.

Và khi bạn đã bắt đầu xếp hạng cho một số từ khóa đuôi dài, bạn sẽ có nhiều cơ hội để xếp hạng cao cho những từ khóa chính, có mức độ cạnh tranh cao của mình.

Vậy, làm thế nào để tìm từ khóa đuôi dài?

Có rất nhiều cách khác nhau để tìm từ khóa đuôi dài, nhưng cách nhanh nhất là sử dụng công cụ SEO chuyên nghiệp.

Tôi vẫn sử dụng SEMrush trong việc tìm từ khóa đuôi dài.

Cụ thể, tôi sử dụng công cụ Keyword Magic Tool để tìm các từ khóa đuôi dài tương ứng với từng từ khóa chính.

Kết hợp bộ lọc nâng cao để tìm các từ khóa khoảng 4 đến 5 từ trở lên, và mức độ cạnh tranh thấp (<70).

(Lưu ý bạn nên linh động trong việc xác định số từ và mức độ cạnh tranh nhé)

Tìm từ khóa đuôi dài với SEMrush

Bây giờ, bạn cứ chọn lần lượt tất cả các từ khóa phù hợp với doanh nghiệp của bạn, kiểm tra ý định tìm kiếm của từng từ khóa bằng cách phân tích kết quả trên Google và thêm chúng vào danh sách từ khóa bổ trợ tương ứng với từng từ khóa chính.

(Ngành mà tôi đang SEO, liên quan nhiều về kỹ thuật nên cũng không có nhiều từ khóa đuôi dài để chọn, nên tôi chọn luôn những từ khóa có từ 20 – 30 lượt tìm kiếm trung bình hàng tháng trở lên, tùy ngành mà bạn nên có sự linh động nhé.)

Cứ như vậy áp dụng lần lượt cho tất cả các từ khóa chính của bạn và chọn từ khóa đuôi dài phù hợp.

(Đây chỉ là một trong những cách mà tôi thường sử dụng, có rất nhiều cách khác nhau để tìm từ khóa đuôi dài, tôi sẽ có một hướng dẫn chi tiết trong một bài viết khác).

Bước 6: Tìm từ khóa LSI (liên quan về ngữ nghĩa) để thêm vào nội dung

Đến bước này, bạn đã có được đầy đủ tất cả các từ khóa có liên quan đến doanh nghiệp, cả về từ khóa chính và từ khóa đuôi dài, cũng như xác định được tiêu đề của từng bài viết tương ứng.

Bước tiếp theo là tìm các từ khóa có liên quan về mặt ngữ nghĩa với từng từ khóa mà bạn sẽ nhắm mục tiêu.

Lưu ý: đây là bước mà đôi khi bản thân tôi cũng không sử dụng nhiều, bởi vì nếu bạn tạo một nội dung thật sự chất lượng, thật sự phù hợp với ý định tìm kiếm của người dùng và giải thích một vấn đề nào đó thật sự chi tiết, Google có thể xếp hạng cho những từ khóa có liên quan khác nhau mà bạn có thể không sử dụng trong nội dung.

(Nhờ những tiến bộ trong thuật toán của họ và đặc biệt là RankBrain)

Tuy nhiên, nếu bạn là một người tỉ mỉ và mong muốn nội dung của mình thật sự thân thiện với SEO và thật sự chất lượng.

Bạn có thể tiếp tục nghiên cứu các từ khóa LSI (liên quan về mặt ngữ nghĩa) để thêm các từ khóa này vào nội dung của bạn.

Điều này có thể giúp nội dung của bạn thật sự phù hợp với công cụ tìm kiếm và tăng cơ hội để xếp hạng cao cho các từ khóa chính.

Vậy làm thế nào để tìm từ khóa LSI?

Tôi thường sử dụng SEMrush và công cụ Keyword Tool để thực hiện tìm các từ khóa LSI.

Tìm từ khóa LSI với SEMrush

Và đây Keyword Tool:

Tìm từ khóa đuôi dài với Keyword Tool

(Đây cũng là một công cụ rất hữu ích để tìm các từ khóa đuôi dài)

Và trong quá trình tạo và chỉnh sửa nội dung cho SEO, bạn có thể thêm các từ khóa này vào nội dung của mình.

Như vậy là bạn đã hoàn thành quá trình 6 bước trong nghiên cứu từ khóa, và đã có một danh sách tất cả các từ khóa phù hợp với doanh nghiệp, bao gồm từ khóa chính, từ khóa đuôi dài và từ khóa LSI.

Tiếp theo, tôi sẽ hướng dẫn bạn cách sử dụng và tích hợp các từ khóa này một cách hợp lý và chuẩn SEO.

Cách sử dụng từ khóa tối ưu cho SEO

Bạn đã có được một danh sách các từ khóa cho mình, bạn bắt đầu tạo nội dung phù hợp với từng từ khóa và ý định tìm kiếm tương ứng.

Tuy nhiên, nếu bạn không biết cách sử dụng các từ khóa một cách hợp lý và tối ưu cho công cụ tìm kiếm, cũng như cho người dùng, bạn có thể mất cơ hội để để xếp hạng cao và mất cơ hội tiếp cận khách hàng mục tiêu.

Vậy bạn nên sử dụng từ khóa như thế nào cho đúng?

Đây là một vấn đề mà khá nhiều người quan tâm, nên tôi cũng xin giới thiệu đến bạn cách mà tôi thường thực hiện để tối ưu hóa các từ khóa của mình.

Nhóm các từ khóa theo từng chủ đề (Mô hình cụm chủ đề)

Các cụm chủ đề đại diện cho một cấu trúc cơ bản của nội dung trên website của bạn.

Thay vì bạn chỉ tổ chức các bài viết thành các danh mục tự động, hoặc không có cấu trúc nào cả, bạn nên sắp xếp chúng thành các cụm chủ để.

Bởi vì như vậy sẽ giúp người dùng dễ dàng khám phá một chủ đề, cũng như những nội dung có liên quan. Đảm bảo họ sẽ nhận được những thông tin đầy đủ nhất về điều mà họ đang quan tâm.

Ngoài ra, việc nhóm các bài viết theo cụm chủ đề, sẽ giúp các công cụ tìm kiếm dễ dàng khám phá, thu thập, lập chỉ mục và hiểu cấu trúc nội dung trên website.

(Công cụ tìm kiếm sẽ đánh giá tốt hơn sự liên quan của các bài viết trong cụm)

Đây là sơ đồ của một cụm chủ đề điển hình, được khá nhiều chuyên gia SEO sử dụng:

Mô hình cụm chủ đề để sử dụng từ khóa hiệu quả nhất
(Nguồn: Mangool)

Nhìn vào mô hình trên, bạn hiểu là sẽ có hai loại nội dung trong một cụm chủ đề:

  • Nội dung trụ cột: đây là những bài viết chính hoặc trang bao quát chủ đề, được tạo để đánh vào các từ khóa chính có mức độ cạnh tranh cao, và những từ khóa cực kỳ quan trọng của doanh nghiệp.
  • Nội dung bổ trợ: đây là những nội dung bổ nghĩa hoặc giải thích một vấn đề nào đó trong nội dung chính, nhắm mục tiêu cho các từ khóa đuôi dài.

Nội dung trụ cột và nội dung bổ trợ sẽ được liên kết với nhau theo cách được một tả trong sơ đồ trên.

Lưu ý: bạn không nên quá cứng nhắc trong quá trình ứng dụng mô hình này, bạn có thể tham khảo mô hình này, nhưng tốt nhất là hãy đặt mình vào vị trí người xem và tạo nội dung sao cho bạn có thể giúp họ một cách tốt nhất và đầy đủ nhất.  

Cách sử dụng từ khóa trong trang

Việc tích hợp các từ khóa một cách khéo léo vào nội dung trên trang sẽ giúp Google dễ dàng hiểu được trang web của bạn đang nói về vấn đề gì.

Tuy nhiên, tôi cũng khuyên bạn một lần nữa hãy tạo nội dung sao cho thật sự hữu ích cho người dùng, hãy khiến người dùng của bạn yêu thích và như thế Google sẽ thích.

Bạn tuyệt đối không nên nhồi nhét từ khóa quá nhiều lần trên trang, hãy làm sao cho từ khóa của bạn xuất hiện một cách tự nhiên nhất có thể.

Và đây là một số gợi ý về những nơi mà bạn có thể tích hợp từ khóa vào trang:

  • Đầu tiên và quan trọng nhất chính là tiêu đề trang (thẻ TITLE) và tiêu đề bài viết (thẻ H1).
  • Cố gắng sử dụng từ khóa một lần trong đường dẫn (URL), cũng như đảm bảo URL càng ngắn càng tốt.
  • Sử dụng từ khóa trong thẻ mô tả (description), điều này không ảnh hưởng nhiều đến thứ hạng, nhưng nó giúp tăng tỷ lệ nhấp chuột vào trang của bạn trong kết quả tìm kiếm.
  • Thêm từ khóa vào càng sớm càng tốt trong đoạn mở bài (xuất hiện trong 100 – 150 từ đầu tiên)
  • Sử dụng các từ khóa LSI trong các thẻ H2, H3, H4..
  • Sử dụng các từ khóa có liên quan trong thẻ ALT của hình ảnh. (Mô tả chính xác thông điệp của bức ảnh)
  • Bạn cũng nên thêm từ khóa vào một vài lần trong nội dung bài viết (nhưng đảm bảo từ khóa xuất hiện tự nhiên nhất).

Vâng đây là một vài nơi trên trang mà bạn có thể sử dụng để tối ưu bài viết của bạn cho SEO.

Lời khuyên: Nếu bạn muốn biết cách tối ưu từ khóa trên trang một cách chi tiết, tỉ mỉ, cũng như cách thực hiện đầy đủ nhất. Bạn nên xem lại bài viết này của tôi:

SEO Onpage là gì? Cách tối ưu SEO onpage từ A – Z

Viết nội dung dài

Các nghiên cứu khác nhau đã chứng minh rằng, một nội dung dài (thường nhiều hơn 1500 từ) sẽ được xếp hạng cao hơn các bài viết ngắn.

Không phải do số lượng từ nhiều được xếp hạng cao, mà bởi vì nội dung dài sẽ giải thích một vấn đề nào đó chi tiết hơn, cũng như chứng tỏ với Google rằng chủ trang web dành nhiều sự đầu tư cho nội dung của mình.

Nội dung dài cũng sẽ có được những lợi thế như:

  • Trong một bài viết dài, các biến thể từ khóa sẽ được sử dụng một cách tự nhiên, làm tăng sự liên quan theo chủ đề.
  • Nội dung dài thường có mức độ tương tác và thời gian trên trang cao hơn, vì nó trả lời câu hỏi của người dùng một cách toàn diện.
  • Nó sẽ cải thiện hình ảnh thương hiệu của bạn, bạn sẽ được xem như là một chuyên gia trong lĩnh vực của mình.

Ngoài ra, khi bạn viết một nội dung dài và toàn diện, cũng có thể giúp bạn xếp hạng cho các từ khóa có liên quan, thậm chí có thể bạn không nghĩ ra khi tạo nội dung.

Ví dụ:

Khoảng thời gian trước tôi có tạo một bài viết dạng dài, toàn diện nhắm mục tiêu từ khóa “tình yêu là gì?”. Đây là một từ khóa có độ khó và cạnh tranh cực cao (87.27),

Tôi dành ra khoảng một tuần để tổng hợp và tạo bài viết này với độ dài gần 10 ngàn từ, Và kết quả là bài viết của tôi dễ dàng đứng top 2 cho từ khóa này (sau chưa đầy 2 tháng):

Bài viết dạng dài sẽ dễ dàng xếp hạng cao hơn

Bài viết này cũng được xếp hạng cho rất nhiều biến thể từ khóa khác nhau:

Bài viết dài giúp dễ dàng xếp hạng cho rất nhiều từ khóa LSI khác nhau

Mẹo và chiến lược nâng cao

Đến đây, có lẽ bạn đã nắm vững tất cả những kiến thức cơ bản về nghiên cứu từ khóa trong SEO, cũng như hiểu được một quy trình nghiên cứu từ khóa bao gồm những gì?

Bây giờ tôi sẽ giới thiệu đến bạn một vài mẹo và những thủ thuật nâng cao, tôi nghĩ sẽ hữu ích cho bạn.

Barnacle SEO (tạm dịch là SEO ba lô)

Đây là một thủ thuật sử dụng quyền hạn của những trang web khác, để xếp hạng cho các từ khóa quan trọng của bạn trên trang đầu.

Để giúp bạn hiểu hơn về kỹ thuật này, tôi xin sử dụng lại một ví dụ từ backlinko:

Đầu tiên, anh ta nhận thấy từ  “YouTube SEO” là một trong những từ khóa tiềm năng, và giúp ích cho anh ta về mặt chuyển đổi.

Và anh ấy đã tạo ra một bài viết để đối ưu cho từ khóa này. Bài viết nhanh chóng xếp hạng số 1 trong Google.

Kỹ thuật SEO ba lô

Xếp hạng số 1 trong Google là tuyệt vời và mang lại cho website của anh ấy rất nhiều lưu lượng truy cập. Nhưng anh ấy hiểu đây cũng chỉ là một trong những vị trí trong kết quả tìm kiếm.

Đó là lý do tại sao anh ấy tiếp tục tạo video trên YouTube để tối ưu hóa cho từ khóa đó:

SEO ba lô

Và vì hữu ích cho người dùng, nên video này cũng được xếp hạng trên trang đầu tiên của Google.

Youtube SEO backlinko

Đến đây, có lẽ bạn đã hiểu cơ bản về thủ thuật này rồi đúng không?

Nghĩa là, nếu bạn tìm thấy một từ khóa tuyệt vời, bạn nên cố gắng chiếm càng nhiều không gian trong trang kết quả tìm kiếm của Google càng tốt.

Đầu tiên, tạo nội dung để tối ưu hóa từ khóa đó trên trang web của riêng bạn. Sau đó, tiếp tục xuất bản nội dung được tối ưu cho từ khóa đó ở một định dạng khác, và đăng lên các trang có thẩm quyền cao như YouTube, Facebook, Linkedln, Zalo, v.v…

Shoulder Keywords

Shoulder Keywords là những từ khóa không liên quan trực tiếp đến những gì mà bạn bán, nhưng có liên quan một cách gián tiếp.

Đây là những thuật ngữ và cụm từ mà những đối tượng khách hàng mục tiêu của bạn có thể tìm kiếm để giải quyết vấn đề của họ.

Hầu hết mọi người chỉ nghiên cứu từ khóa và tối ưu hóa trang web của họ xung quanh các từ khóa có liên quan chặt chẽ với những gì họ bán.

Điều này đôi khi là một sai lầm và là một thiếu sót lớn.

Tại sao?

  • Đầu tiên, những từ khóa có liên quan nhiều đến sản phẩm thường có độ canh tranh khá cao.
  • Thứ hai, có rất nhiều từ khóa khác nhau mà khách hàng tiềm năng của bạn sử dụng khi họ không tìm kiếm những gì mà bạn bán.

Bởi vậy, ở bước đầu tiên trong quy trình 6 bước nghiên cứu từ khóa mà tôi đã giới thiệu trong bài này, điều quan trọng đầu tiên mà tôi nhắc đến là bạn hãy hiểu về sản phẩm, dịch vụ mà bạn sẽ thực hiện nghiên cứu? cũng như hiểu được khách hàng của bạn là ai?

Điều này có thể giúp bạn nghĩ ra những ý tưởng từ khóa, đôi khi không liên quan nhiều đến sản phẩm.

Nhưng chính những từ khóa này sẽ giúp trang web của bạn xuất hiện trước những đối tượng khách hàng tiềm năng và họ có thể mua hàng của bạn trong tương lai.

Ví dụ:

Với thị trường “máy bơm nước”, doanh nghiệp mà tôi thực hiện SEO không hề có dịch vụ liên quan đến sửa chữa máy bơm nước.

Nhưng tôi vẫn nghiên cứu từ khóa và tạo nội dung, để tối ưu cho những từ khóa có liên quan đến sửa chữa như:

  • Máy bơm nước lên không đều
  • Bơm nước bị yếu
  • Máy bơm nước mini không lên nước
  • Máy bơm tăng áp kêu to.

Mẹo quan trọng: Bạn hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng, hãy suy nghĩ và nghiên cứu tất cả những gì có liên quan mà khách hàng của bạn có thể tìm kiếm, có thể là liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp. Và tạo nội dung để website của bạn xuất hiện trước mặt họ càng nhiều càng tốt.

(Điều này có thể giúp tăng nhận thức thương hiệu và tăng uy tín của doanh nghiệp)

Phần kết luận

Nghiên cứu từ khóa là một quá trình cực kỳ quan trọng trong SEO, thông qua nghiên cứu từ khóa bạn có thể tìm được những từ khóa thật sự quan trọng với doanh nghiệp và sử dụng các từ khóa này trong chiến lược tiếp thị nội dung, và chiến lược SEO.

Tuy nhiên, bạn nên biết nghiên cứu từ khóa không phải là việc mà bạn làm một lần rồi thôi. Bạn bắt đầu khi thực hiện một chiến dịch SEO, và tùy thuộc vào kết quả mà bạn có thể quay lại và tiếp tục nghiên cứu để bổ sung vào danh sách từ khóa của mình.

Thật sự nghiên cứu từ khóa không khó, bạn chỉ cần áp dụng đúng từng bước những kiến thức mà tôi chia sẻ trong bài viết này, chắc chắn bạn sẽ có được một danh sách từ khóa phù hợp, và từ đó gia tăng lưu lượng truy cập đến website và bán hàng.

Cuối cùng, tôi mong bạn sẽ thích hướng dẫn nghiên cứu từ khóa từng bước từ A – Z này của tôi.

(Đây là hướng dẫn mà tôi đã tốn rất nhiều thời gian và công sức để thực hiện.)

Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc, hoặc góp ý nào vui lòng để lại bình luận bên dưới.

Nguồn tham khảo: